Chăm sóc trẻ nhỏ trong mùa đông

Vào mùa rét, trẻ thường mắc các bệnh như cảm cúm, viêm hô hấp, nhiễm siêu vi, sốt phát ban, đau mắt đỏ, tiêu chảy cấp…Trong đó, cảm cúm là bệnh trẻ thường hay mắc nhất do virus thường phát triển mạnh vào mùa lạnh. Có nhiều loại virus gây cảm cúm với các biểu hiện ở mũi họng, viêm phổi, đường ruột (gây tiêu chảy), lan tràn toàn thân (gây đau nhức người)… Giữ ấm và bảo vệ sức khỏe cho bé khi trời rét là mối quan tâm hàng đầu của cha mẹ. Dưới đây là những bí quyết giúp bạn chăm sóc tốt sức khỏe cho bé khi mùa đông đến. Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn chăm sóc tốt bé yêu trong mùa đông.

Ăn uống nóng và đủ chất

Khí hậu khô hanh, những thực phẩm chứa nhiều nước rất tốt cho sức khỏe của bé. Chẳng hạn như củ cải có thể chữa ho và tiêu đờm, thông cổ họng, đồng thời lại rất mát cho cơ thể, giải độc.

Vào mùa đông, bé dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp, nhưng nếu nạp đầy đủ các loại vitamin có thể tăng cường chức năng miễn dịch. Một số loại rau phổ biến trong mùa đông rất phong phú các loại vitamin như cải bắp, cải chíp, củ cải, đậu, rau bina, rau diếp, khoai lang, khoai tây… và phụ huynh nên liên tục thay đổi khẩu phần ăn cho bé.

Chế độ ăn uống giàu chất xơ có thể điều tiết sự hấp thu và bài tiết thực phẩm, ngăn táo bón, xả chất độc trong cơ thể. Ngoài ra, chất xơ còn có vai trò kiểm soát cân nặng.

Bạn nên tuyệt đối không cho trẻ ăn đồ ăn, thức uống có nước đá hay những đồ ăn mới lấy trực tiếp ra từ tủ lạnh. Tất cả các loại thực phẩm có nhiệt độ dưới 25°C đều cần hâm nóng trước khi cho trẻ ăn hoặc uống.

Mặc đủ ấm

Các bạn nên lưu ý đến 4 vị trí trên cơ thể của bé cần giữ ấm: bàn chân, ngực, cổ và đầu. Đối với các em bé đang còn bú mẹ, trong khi bú các em rất dễ vã mồ hôi ở lưng và đầu. Bạn nên chú ý lau khô mồ hôi cho bé ngay sau khi bé vừa bú xong và chẩn bị ngủ.

Với các trẻ em học mẫu giáo hay đã đi học mầm non, khi đưa con đi học buổi sáng sớm nên chú ý giữ ấm cho con, nhất là vùng mũi của bé. Không khí lạnh buổi sáng là nguyên nhân chính của các bệnh về đường hô hấp ở cả người lớn và trẻ em.

Vào đêm mùa đông, nhiệt độ thường xuống rất thấp nên việc ủ ấm cho trẻ là rất quan trọng. Đa số trẻ em bị nhiễm lạnh dẫn tới viêm đường hô hấp trên là do cha mẹ để các em ngủ ở những nơi không đủ ấm, hoặc không mặc đủ ấm khi ngủ, ngủ trong phòng máy lạnh với nhiệt độ quá thấp. Do vậy, khi đi ngủ, cần mặc ấm cho trẻ. Bên cạnh đó, nên chú ý thay quần áo và lau khô người cho trẻ khi các em chơi đùa vã mồ hôi tránh để mồ hôi lại thấm ngược vào trong cơ thể.

Các bạn nên chọn cho bé những loại quần áo lót cotton mỏng, dễ thấm mồ hôi. Hạn chế mặc quần đùi hoặc các loại quần thun cho bé. Đặc biệt trong mùa đông các bạn không nên quấn tã giấy cho bé. Hoặc nếu có quấn tã thì nên chú ý thay tã cho bé thường xuyên để tránh cho cơ thể bé nhiễm lạnh vì tã ướt quá lâu.

Vệ sinh thân thể

Những ngày nhiệt độ xuống thấp, đôi khi các bà mẹ ngại tắm cho con vì sợ con lạnh. Bé rất khó chịu vì ngứa ngáy những vùng bẹn, nơi thường chảy nhiều mồ hôi khi bé hoạt động.

Bạn cần phải vệ sinh răng miệng cho trẻ sạch sẽ sau khi ăn và trước khi đi ngủ bằng nước ấm. Mỗi sáng thức dậy và trước khi đi ngủ bạn nên cho bé súc miệng bằng nước muối sinh lý để sát trùng họng cho bé, tránh sự thâm nhập và phát triển của các vi khuẩn. Đây là biện pháp phòng tránh bệnh viêm họng, viêm amidan ở cả người lớn và trẻ em. Cách tốt nhất là bạn vẫn tắm cho bé bình thường và tắm bằng nước nóng trong phòng kín gió, không nên kéo dài thời gian tắm. Lau khô và sấy khô tóc cho bé liền sau khi tắm. Bạn cần dặn dò bé luôn giữ chân tay sạch sẽ, tránh bốc đồ ăn bằng tay để tránh mắc bệnh tiêu chảy mùa đông.

Phòng ngủ và phòng chơi

Thời tiết mùa đông vốn khô hanh, gió nhiều và ít độ ẩm, nếu có điều kiện bạn có thể tạo môi trường khí ẩm, nóng trong phòng ngủ hoặc phòng chơi của bé bằng các loại máy tạo độ ẩm. Độ ẩm điều hòa trong phòng sẽ giúp cho bé hít thở dễ dàng hơn. Cho bé chơi, ngủ trong phòng thoáng khí nhưng không có gió lùa.

Nếu bạn dùng các loại máy sưởi, lò sưởi cũng như quạt sưởi, bạn không nên để bé đến quá gần trong vòng bán kính 1,5 m vì tại khu vực sát lò sưởi, lượng oxy trong không khí sẽ rất thấp.

Tăng cường sự miễn dịch cho bé

Tiêm chủng đầy đủ: Bé sẽ được bảo vệ khỏi virus và vi khuẩn nếu được tiêm chủng theo định kỳ. Bé cũng có thể được tiêm phòng cúm mỗi năm bắt đầu từ khi bé được 6 tháng tuổi. Phần lớn virus gây bệnh sẽ bị tiêu diệt trong vòng một vài ngày nhưng cũng có khi bệnh tiến triển nặng hơn, cần được điều trị. Nên đưa bé đi khám nếu thấy bé kéo tai (có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng tai), khò khè hoặc khó thở (có thể do viêm phổi, viêm phế quản), tiêu chảy hoặc nôn (có thể dẫn tới mất nước), sốt cao..

Tăng miễn dịch cho bé tự nhiên: Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong nửa năm đầu đời là cách tăng miễn dịch cho bé. Khi bước vào tuổi ăn dặm, đảm bảo bé luôn được đủ dinh dưỡng từ nguồn thức ăn đa dạng. Cho bé ngủ đủ giấc mỗi đêm cũng như vận động hợp lý trong ngày. Ngoài ra, Vitamin C cũng là một loại “thần dược” khá phổ biến trong việc phòng chống cúm và tăng miễn dịch cho trẻ.